Nên dùng nước máy hay nước giếng?

16/04/2024

     Ở Việt Nam, có rất nhiều hộ gia đình từ xưa đến nay vẫn đang sử dụng nước giếng khoan mặc dù đã được lắp đặt hệ thống nước máy tân tiến. Đã có nhiều ý kiến trái chiều như: có nên lấp giếng để dùng nước máy cho an toàn nhưng cũng có người ủng hộ ý kiến tiếp tục sử dụng nước giếng vì trong nước máy có mùi clo và cũng không trong bằng nước giếng.

Nước máy có thực sự sạch?

     Ở TPHCM, rất nhiều căn hộ ở các quận huyện lớn như Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Quận 8 các hộ gia đình ở đây đều thường xuyên than thở vì nước máy ở các khu vực này có mùi tanh và đục như nước cống. Ví dụ như anh Hoàng, một người dân sinh sống ở đường Cách Mạng Tháng 8 tại phường 4 quận Tân Bình than thở: “Đã nhiều hôm nay, nhà tôi và các hộ gia đình xung quanh đây đều không thể nào sử dụng được nước máy vì quá ô nhiễm, các anh nhìn xem như vậy ai mà dám xài chứ” anh vừa nói vừa đưa ra một ca nước đục vàng và đầy cặn. Anh cũng cho biết thêm rằng gia đình anh đã nhiều lần thuê dịch vụ súc xả nước nhưng vài ngày nước lại bị đục lại như cũ, không thể nào khắc phục triệt để.

Nước máy có thực sự sạch không?

Nước máy có thực sự sạch không?

     Một hộ dân khác gần đó cũng cho chúng tôi xem lõi lọc nước trắng vừa mới thay của gia đình cách đây 2 tuần bây giờ đã biến thành màu đen và dính thêm cả dầu mỡ.  Các hộ dân ở gần đó vẫn phải tự mua nước tinh khiết đóng chai về để nấu ăn, đánh răng rửa mặt, sinh hoạt và thậm chí là để tắm cho dù rất tốn tiền vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe vì nguồn nước rất bẩn ở đây. Nhưng các hộ kinh doanh quán ăn ở khu vực này cũng không thể nào mua nước tinh khiết đóng chai về để nấu ăn cho khách vì làm như vậy lỗ là điều chắc chắn nhưng với việc lấy nước bẩn để nấu ăn lại khiến lương tâm khá “cắn rứt”.

     Đại diện của Tổng Công Ty cung cấp nước Sài Gòn Sawaco đã đứng ra giải thích cho hiện tượng nước bẩn hiện nay trên các địa bàn thành phố như sau: hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng khoảng hơn 800 km đường ống nước cũ mục và rỉ sét, tuổi đời từ 30 – 40 năm cần phải được thay thế và cải tạo, và khi nhà máy tăng công suất để bơm nước cho các hộ gia đình đã gây ra hiện tượng biến động thủy lục gây đảo lộn dòng chảy siết trong đường ống nước khiến cho những lớp cặn và gỉ sét bám trong đường ống nước cũ bong tróc và dẫn đến hiện tượng nước máy ở các khu vực trên có cặn đen, bị vàng đục và kèm theo hiện tượng hôi thối.

     Dù hiện tượng này đã xảy ra từ rất rất lâu nhưng đại diện công ty này cho biết họ vẫn chưa thể nào khắc phục triệt để các tình trạng trên vì nó đòi hỏi chi phí bảo hành và thay thế rất lớn. Do đó họ chỉ tạm thời xử lý bằng cách súc các đường ống nước định kì và quản lý lại thủy lực của các đường ống cũ kĩ trên để tránh tạo ra các tác động làm xáo trộn dòng chảy của nước.

Nước giếng khoan trong nhưng có thực sự sạch?

     Ngày xưa, một bộ phận rất lớn các gia đình đều mơ ước được sử dụng nước máy tân tiến và hiện đại. Tuy nhiên giờ đây, khi đã được lắp đặt nước máy để sử dụng họ lại phải thuê người khoan giếng để lấy nước sử dụng, nguyên nhân như trên chúng tôi đã nêu rõ là vì nước máy khá bẩn tại một số địa bàn trên TPHCM hiện nay. Nhiều người nghĩ rằng nước giếng là sạch hoàn toàn và không hề có bụi bẩn, nhưng ít ai biết được rằng chất lượng nguồn nước mà họ cho rằng là sạch đó lại rất nguy hiểm.

Nước giếng khoan có thực sự sạch hay không?

Nước giếng khoan có thực sự sạch hay không?

     Tại Ủy Ban Nhân Dân phường Tân Sơn Nhì, Tân Phú, chị chủ quán nước đối diện tâm sự thật lòng rằng “Ở khu vực này đa số các hộ gia đình đều sử dụng nước giếng khoan vì không có nước máy”, thấy lạ nên chúng tôi đã hỏi rằng chị đã đi xét nghiệm nguồn nước khi sử dụng chưa, chị trả lời “Các hộ gia đình ở đây hầu như không ai quan tâm đến chuyện xét nghiệm nguồn nước, thấy nước trong là được”.

     Nước trong chưa hẳn là nước sạch bởi vì có những chất độc hại mà chúng ta không thể nào nhìn thấy được bằng mắt thường như kim loại nặng, vi khuẩn và cả virut kí sinh. Tùy từng vùng miền mà giếng có những đặc tính khác nhau, những tạp chất hữu cơ và các kim loại nặng khác nhau. Nguồn nước ngầm này có nguy cơ rất cao bị xâm hại bởi các hóa chất độc hại bởi vì môi trường trên mặt đất bị ô nhiễm, chất thải sinh hoạt của con người, chất thải công nghiệp bị ngấm vào lòng đất. Nếu nước không được xử lý đúng quy cách mà đã được sử dụng thì các chất độc hại sẽ được đưa trực tiếp vào cơ thể người dùng gây ra nhiễm khuẩn nặng và một số bệnh đường ruột khác nhau.

     Tương tự đó, do ở đây có khu nghĩa địa rất lớn tồn tại hàng trăm năm nay, cùng với đó là hàng trăm cơ sở sản xuất không có hệ thống nước thải mà chủ yếu là tự thải xuống đất. Lâu ngày những chất độc hại này sẽ bị lây nhiễm vào nguồn nước giếng khoan của người dân, vì vậy người dân ở đây có nguy cơ bị nhiễm độc rất cao nếu sử dụng giếng khoan.

     Anh Hoàng Anh Khoa sinh sống ở khu vực Gò Dầu Quận Tân Phú than thở rằng: “Chỉ một số ít hộ gia đình được xài nước máy, còn lại là phải sử dụng giếng khoan. Các năm trước đây khi hầu hết mọi hộ gia đình đều khoan giếng sâu từ khoảng 30 mét xài được một thời gian thì phát hiện nước bơm lên đục và vàng, mùi hôi tanh rất khó chịu và buộc họ phải lấp giếng cũ để khoan một hố giếng mới có độ sâu trên 70m. Vì vậy nước đã trong hơn được phần nào và nhất là không có mùi hôi tanh, nhưng chất lượng nước thì chúng tôi không đảm bảo”.

     Tại Gò Cát nổi tiếng với các khu xử lý rác rộng trên 18ha và các nơi này tiếp nhận hơn 4000 tấn rác mỗi ngày, đây thực sự là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm rác nhất tại Sài Gòn. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chủ kinh doanh quán nước sinh sống tại địa điểm này cho hay: “Người dân ở đây đã quá quen với mùi hôi thối tại đây. Khi nhìn ra đường thấy mọi người bịt mũi hoặc nhổ nước bọt vì biết nơi đây bị ô nhiễm nặng nhưng lỗ mũi chúng tôi đã quen với mùi này nên không biết”. Kinh khủng hơn là việc nguồn nước mà anh Tuấn và các hộ gia đình đang sử dụng để nấu ăn cũng như để kinh doanh bán nước cho khách chỉ được lấy ở giếng sâu vỏn vẹn 30m và nơi đây chỉ cách bãi xử lý rác chưa đầy 50m.

     Tất cả các hộ dân ở khu vực này đều khoan giếng để lấy nước. Các nghành chức năng ở TPHCM đã bất lực trong việc xử lý khu chế xuất rác ở Gò Dầu và mặc cho nước rỉ ra gây ô nhiễm môi trường, những nguồn nước này rò rỉ từ vài tấn rác mỗi ngày đều thấm vào lòng đất và gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước giếng khoan. Các hộ dân ở đây cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khoan giếng để lấy nước sử dụng.

     Đây mới chỉ là một trong những mảng nhỏ của cả một bức tranh nước sạch của cư dân TPHCM, một trong những thành phố văn minh, hiện đại và tân tiến nhất tại Việt Nam.